Ở nơi mỗi đứa trẻ sinh ra đều là ngọc quý trời ban
Sắc Hoàng Hoạt động trung tâmHà Nội những ngày áp Tết, đường phố nườm nượp xe cộ. Dòng người, phương tiện chen chúc nhau hối hả ngược xuôi trong guồng quay gấp gáp của những ngày cuối năm. Thế nhưng, giữa dòng chảy tất bật ấy, nép mình trong một góc nhỏ tại xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc (thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý – Giáo dục Ngọc Ân), cô gái Trương Thanh Cúc (20 tuổi) vẫn chậm rãi, tỉ mỉ gấp từng chiếc giấy màu thành khối hình nón để xếp hoa làm chân đế oản đồ lễ. Mắc hội chứng down, khả năng diễn đạt còn hạn chế nhưng mỗi khi chúng tôi hỏi về thành quả – những món đồ lễ đủ màu được làm thủ công cầu kỳ, đẹp đẽ, ánh mắt Thanh Cúc lại long lanh một niềm vui và tự hào khó tả.
Mặc cho khách vào ra, chuyện trò rôm rả, Thanh Cúc luôn tập trung cho công việc của mình. Nhìn đôi bàn tay nhỏ nhắn cẩn thận gấp từng nếp giấy màu phẳng phiu của Cúc, mái tóc ngắn với khuôn mặt bầu bĩnh nhiều suy tư ấy chỉ hiện lên tình yêu, niềm đam mê với công việc, một công việc mà không phải bất cứ người mắc hội chứng down nào cũng dễ dàng tìm được.
Ở bên cạnh, Nguyễn Thị Phương (20 tuổi) cũng chăm chú với công việc của mình, lúc gấp giấy màu, lúc bọc oản. Mắc hội chứng tự kỷ, khó diễn đạt về ngôn ngữ, với Phương, được vào Trung tâm Ngọc Ân, được học nghề làm thủ công sắp lễ, oản nghệ thuật là cả một bầu trời hạnh phúc. Bởi thế mà, cứ dán xong một mảnh giấy thành khối hình nón, Phương lại giơ lên khoe với chúng tôi, không nói gì, chỉ cười ngượng ngịu. Bầu trời của Phương đôi khi chỉ là một chiếc hoa giấy nho nhỏ, xinh xắn do chính tay mình làm ra.
Gần Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm, Trung tâm Ngọc Ân càng nhận được nhiều đơn hàng làm đồ lễ. Thế nhưng, với các học viên là người khuyết tật, tự kỷ tại đây, dường như không có khái niệm gấp gáp về thời gian mà ai cũng chỉ tâm niệm phải tỉ mỉ chăm chút cho từng chi tiết nhỏ, để sản phẩm làm ra hoàn mỹ về mẫu mã, chất lượng cũng như chính tấm lòng chân thành, thơm thảo của các em gửi gắm vào đó.
So với Trương Thanh Cúc và Nguyễn Thị Phương thì Đỗ Văn Đạt (22 tuổi) có vẻ hoạt bát hơn. Bị khiếm thị song những câu chuyện của Đạt luôn ánh lên niềm lạc quan, yêu đời bởi cậu đã tìm được niềm đam mê với công việc làm oản nghệ thuật. Đạt kể, cậu yêu thích mô hình hướng nghiệp, dạy nghề cho người khuyết tật, tự kỷ của Trung tâm Ngọc Ân ngay từ lần đầu đến thăm vào tháng 3/2022 nên đã năn nỉ gia đình xin cho cậu vào trung tâm học.
Như một cơ duyên, tháng 4/2022, Đỗ Văn Đạt trở thành học viên của Trung tâm Ngọc Ân. Mỗi ngày được các thầy cô đưa đón từ Cơ sở giáo dục đặc biệt 2 (ngã 3 Ngọc Hồi, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì) lên xưởng thực nghiệm rồi tận tụy dạy nghề sắp lễ, làm oản nghệ thuật, Đạt cảm nhận được sự ấm áp của tình yêu thương và coi trung tâm như ngôi nhà thứ hai của mình. “Bây giờ em đã thạo nghề, mỗi ngày có thể làm được 8 – 10 chiếc oản nghệ thuật loại 300g; tạo hình, trang trí 6 – 7 chân đế oản bằng giấy màu. Không những thế, em còn có thể dạy cho các em khác” – Đỗ Văn Đạt phấn khởi khoe.
Điều đáng mừng hơn cả là Đỗ Văn Đạt, từ một học viên, bằng niềm tin và sự quyết tâm, nỗ lực lớn lao, đã vươn lên trở thành nhân viên chính thức của Trung tâm Ngọc Ân với mức lương 3 triệu đồng/tháng, bao gồm cả chi phí ăn uống, đi lại. “Với số tiền này, em có thể tự lo cho bản thân và dành một chút cho gia đình. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất với người khuyết tật như em” – Đỗ Văn Đạt xúc động nói.
Xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc nằm yên bình trong khu dịch vụ Dương Nội, phường Dương Nội, quận Hà Đông. Trước cửa có hàng cây xanh mát và không gian thoáng đãng. Dù mới đi vào hoạt động chính thức chưa lâu (tháng 7/2022) nhưng nơi đây đã trở thành ngôi nhà thân quen đầy ắp tiếng cười hạnh phúc của Trương Thanh Cúc, Nguyễn Thị Phương, Đỗ Văn Đạt và nhiều học viên khuyết tật, tự kỷ khác.
Ở đây, các em được trải nghiệm, giáo dục thực nghiệm hướng nghiệp, hình thành thói quen tích cực trong cuộc sống hàng ngày, chăm chỉ lao động. Bên cạnh đó, thông qua sự chăm sóc, dạy dỗ của các thầy cô, các em còn hình thành những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hóa, có ý thức hợp tác nhóm. Từ đó có quyết định chọn nghề nghiệp trong tương lai, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Đây cũng chính là mục tiêu giáo dục thực nghiệm hướng nghiệp cho thanh thiếu niên khuyết tật, trong đó có nhóm thanh thiếu niên rối loạn phát triển của Trung tâm Ngọc Ân.
Nói về việc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý – Giáo dục Ngọc Ân, chị Đào Thanh Hoàn – Nhà sáng lập Trung tâm nghẹn ngào xúc động, bởi đó là cả một hành trình đầy gian nan, thử thách với biết bao nước mắt. Là một người mẹ có con mắc chứng rối loạn tự kỷ điển hình, hơn ai hết, chị Đào Thanh Hoàn thấu hiểu tâm tư của con cùng những nỗi vất vả của phụ huynh phải trải qua trong suốt hành trình đồng hành cùng con mỗi ngày.
Năm 2007, con trai thứ hai chào đời trong niềm vui khôn xiết của cả gia đình. Cậu bé tên Bảo bụ bẫm, trắng trẻo đáng yêu như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, 14 tháng tuổi, chị Hoàn phát hiện con không giống như cậu anh cả, dù rất ngoan ngoãn nhưng ít tương tác với bố mẹ. Tình cờ xem một chương trình trên tivi, chị mới biết đến chứng rối loạn tự kỷ và cho con đi khám tại Viện Nhi Trung ương.
Nhận kết quả trên tay, chị Đào Thanh Hoàn rụng rời, không muốn tin vào hiện thực. Thế rồi, tình yêu vô hạn với con đã thôi thúc chị phải đứng lên. Lúc bấy giờ, mạng xã hội chưa phát triển như hiện nay, thông tin về chứng rối loạn tự kỷ rất hiếm hoi. Chị Hoàn cất công đi khắp các hiệu sách tìm tài liệu đọc, nghiên cứu, rồi tra cứu trên mạng internet. Cứ nghe nói ở đâu có chương trình, hội thảo về chứng tự kỷ, chị lại tìm đến nghe, để biết và đồng hành cùng con.
“Con đặc biệt nên phải có cách giáo dục đặc biệt, đi trên con đường đặc biệt. Và muốn thành công, mình phải tìm hiểu, tìm giải pháp để con có được thành quả trên chặng đường tiếp theo, góp sức định hướng đi cho con” – chị Hoàn tâm sự. Chính cậu con trai tự kỷ đã khơi nguồn cho chị thành lập Trung tâm Ngọc Ân, thành lập và đi vào hoạt động vào tháng 9/2020 với ước nguyện tạo cho các con mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ nói riêng, trẻ khuyết tật nói chung có một môi trường học tập, rèn luyện kỹ năng, thực nghiệm hướng nghiệp.
Nhiều phụ huynh tâm sự, nuôi một đứa con mắc chứng tự kỷ vất vả hơn nuôi 2 – 3 đứa trẻ bình thường khác mà nếu không có tình yêu thương bao la thì bố mẹ khó có thể vượt qua. Nhìn cách các thầy cô giáo tại Trung tâm Ngọc Ân tỉ mỉ, kiên nhẫn chăm sóc, dạy dỗ các học viên khuyết tật, tự kỷ mới thấy hết tấm lòng yêu thương đó.
Trong xưởng thực nghiệm bộn bề với những đơn hàng làm đồ lễ, cô giáo Phạm Thanh Dung vừa cố gắng hoàn thiện những sản phẩm của mình, vừa không quên bao quát các học viên. Chốc chốc, cô lại chạy ra kiểm tra, hướng dẫn từng em một cách ân cần. “Khi các con làm ra được một sản phẩm hoàn thiện, tôi hạnh phúc đến rơi nước mắt bởi nỗ lực của mình đã được đền đáp xứng đáng” – cô Phạm Thanh Dung tâm sự.
Hay với cô Nguyễn Thị Phương Oanh – giáo viên thực nghiệm hướng nghiệp và là chuyên gia trong việc sáng tạo, thiết kế mẫu sản phẩm hướng nghiệp cho người khuyết tật tại Trung tâm Ngọc Ân, dù có những ngày phải vất vả “đánh vật” với học trò song lại mang đến cho cô niềm hạnh phúc khi tìm thấy nơi mình thuộc về.
Từng được học chuyên ngành tâm lý học giáo dục đặc biệt, được tiếp xúc với các trẻ tự kỷ, khuyết tật từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học và có cháu mắc chứng tự kỷ, cô Oanh phần nào hiểu được khó khăn của các gia đình trong việc giáo dục trẻ cũng như gánh nặng của xã hội với những trẻ tự kỷ, khuyết tật. “Các trung tâm hiện tại chỉ có thể khắc phục ở giai đoạn vàng nhưng không phải trẻ nào cũng may mắn tiến bộ. Sau khi qua giai đoạn đó thì việc giáo dục hoàn toàn không có tác dụng. Tình cờ biết được về mô hình hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ, khuyết tật của Trung tâm Ngọc Ân, tôi nhận ra đây chính là nơi bản thân thuộc về, một mô hình giáo dục khép kín từ sàng lọc đánh giá ban đầu cho đến thực nghiệm hướng nghiệp cho các bạn lớn đã qua giai đoạn can thiệp” – cô Oanh tâm sự.
Trò chuyện với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Phương Oanh cho biết, kỷ niệm đáng nhớ nhất của cô là lần đầu tiên ăn lẩu với bạn học viên ở Trung tâm Ngọc Ân. “Bản thân tôi thực sự thấy xúc động khi nghe các em chia sẻ, đây là lần đầu được ăn chung với mọi người và ăn ngon như vậy. Điều đó giúp các em cảm thấy hòa nhập hơn với mọi người và có cảm giác không còn bị phân biệt đối xử nữa mà bản thân như một thành viên của gia đình Ngọc Ân” – cô Oanh nói.
Mô hình hoạt động của Trung tâm Ngọc Ân là giáo dục toàn diện cho trẻ khuyết tật, bao gồm các hoạt động: Sàng lọc, đánh giá phát triển; can thiệp sớm; giáo dục tiền tiểu học; hỗ trợ giáo dục hòa nhập và thực nghiệm hướng nghiệp. Không chỉ được học nghề, trẻ tự kỷ đến trung tâm còn được thầy cô giáo dạy cách chăm sóc bản thân, giúp đỡ bố mẹ như biết làm việc nhà, gấp quần áo ngay ngắn, chào hỏi người lớn…
Sự tiến bộ của học viên mỗi ngày là nguồn năng lượng tiếp thêm nghị lực và cố gắng không ngừng của các thầy cô giáo Trung tâm Ngọc Ân. “Chỉ cần một chút đường, thêm thật nhiều yêu thương, gom đầy tình sẻ chia là cô trò Ngọc Ân có món kem bông ngon tuyệt nha” – đọc những dòng chia sẻ trên trang cá nhân của một cô giáo ở trung tâm sau giờ dạy học viên làm kem bông, ai cũng xúc động và cảm nhận rõ tình yêu thương lớn lao với những trẻ em đặc biệt.
Có con khuyết tật hay mắc chứng tự kỷ là cả một gánh nặng lớn với mỗi gia đình. Ấy là những tháng ngày dài đằng đẵng theo sát chăm sóc cho con, rồi chi phí đưa con đi thăm khám thường xuyên. Từng phải nghỉ việc không lương hai năm trời chăm con, mọi gánh nặng về kinh tế gia đình đè lên đôi vai chồng, chị Đào Thanh Hoàn hiểu rõ áp lực của gia đình có con tự kỷ.
Rồi con mỗi ngày một lớn lên, có nhu cầu làm một việc gì đó, nhen nhóm và thôi thúc chị tìm hướng phát triển nghề cho trẻ tự kỷ. Chị bảo, ở Việt Nam mô hình khám, sàng lọc, can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ thì có nhiều nhưng nơi hướng nghiệp, tạo việc làm cho các con thì lại quá ít. Từ thực tế ấy, chị Đào Thanh Hoàn bắt tay phát triển xưởng thực nghiệm Thiên Ngọc, nơi dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, tự kỷ.
Bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh, chị đi khắp nơi tìm kiếm, học tập mô hình làm nghề thủ công. Cũng có thời điểm, chị thất bại khi đưa nghề dát vàng trên sản phẩm gốm bởi chi phí đầu tư quá lớn mà hàng lại dễ hỏng. Mày mò mãi, chị và các cộng sự đã đưa thành công nghề sắp lễ, làm oản nghệ thuật vào truyền dạy tại Trung tâm Thiên Ân. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, những sản phẩm ra lò đã hoàn thiện hơn, độ thẩm mỹ cao và được thị trường đón nhận. Đến nay, Trung tâm Ngọc Ân đang dạy nghề, tạo việc làm cho 6 học viên khuyết tật, tự kỷ với mức thu nhập ổn định. “Có trung tâm chăm sóc và dạy con, bố mẹ được đi làm thì sẽ mang lại giá trị lao động lớn cho xã hội” – chị Hoàn tâm niệm.
Điều đáng mừng, đến nay Trung tâm Ngọc Ân đã phát triển được trên 7.000 mẫu sản phẩm đồ lễ các loại. Sản phẩm đồ lễ của Ngọc Ân đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước từ Bắc vào Nam như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bà Rịa – Vũng Tàu… và được người tiêu dùng đánh giá cao. “Tôi vừa có đơn hàng cung cấp đồ lễ cho Siêu thị Kim Anh ở Thái Bình với hơn 1.000 sản phẩm. Hiện nay, Trung tâm chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng đã không đủ hết công suất, không phải lo lắng về đầu ra” – chị Hoàn phấn khởi cho biết.
Chia sẻ về việc tìm tòi, sáng tạo mẫu thiết kế, cô Nguyễn Thị Phương Oanh cho biết, mỗi lần nhận được yêu cầu về mẫu mã sản phẩm mới của khách hàng, chị đều chỉ có một suy nghĩ là phải cố gắng làm vừa lòng khách hàng, bởi mỗi lễ bánh mỗi ông oản đều được dâng lên những nơi tôn kính nhất.
“Tôi muốn mang đến cho khách hàng cảm giác sản phẩm được tạo ra là vì họ và dành riêng cho họ nên tuy rằng đã có rất nhiều mẫu sản phẩm nhưng thường mỗi lần nhận đơn hàng, chúng tôi đều sẽ làm một mẫu mới. Sức hút của sản phẩm không chỉ nằm ở bản chất, mà còn ở phong cách thiết kế, biết tạo ra cảm xúc đến với người dùng. Chính vì thế, trong thiết kế sản phẩm không chỉ đòi hỏi sức sáng tạo về giá trị thẩm mỹ, mà còn nằm ở kinh nghiệm nhìn nhận tâm lý khách hàng. Mỗi lần hoàn thiện sản phẩm là một trải nghiệm khác nhau và hạnh phúc nhất vẫn là khi nhận được sự phản hồi tốt của khách hàng về sản phẩm của mình làm ra” – cô Oanh chia sẻ.
Tháng 12/2022, Trung tâm Ngọc Ân đã chính thức trở thành một trong 15 thành viên của Mạng lưới liên kết giáo dục đặc biệt Việt Nam. Theo TS Tạ Ngọc Trí – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), thời gian qua, các cấp ủy Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến người khuyết tật bằng nhiều chính sách cụ thể. Tuy nhiên, để phát huy cao độ mọi nguồn lực thì cần huy động sức mạnh của toàn xã hội vào việc chăm lo cho người khuyết tật, giúp họ hòa nhập cộng đồng. “Nhờ có giáo dục nên trẻ khuyết tật đã làm được nhiều thứ ngoài sức tưởng tượng. Nếu chúng ta quan tâm đến những người không may mắn một cách phù hợp, họ còn có thể đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của xã hội” – TS Tạ Ngọc Trí chia sẻ.
Hiện nay, Trung tâm Ngọc Ân tiếp tục tuyển sinh học viên từ 13 tuổi trở lên để đào tạo nghề, hướng nghiệp. “Chúng tôi xác định mục đích giáo dục thực nghiệm hướng nghiệp là phát hiện ra những khả năng, điểm mạnh của từng học viên rối loạn phát triển để thực nghiệm hướng nghiệp và dạy nghề. Đồng thời tư vấn cho gia đình học viên trong việc chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng của học viên và nhu cầu của gia đình. Sau đó là kết nối các cơ hội việc làm để học viên có thu nhập, chi trả cho một phần nhu cầu của bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình” – chị Đào Thanh Hoàn chia sẻ.
Mới đây, Trung tâm Ngọc Ân được đón tiếp các chuyên gia đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cùng đoàn giáo viên đến từ Đan Mạch, Na Uy tới thăm, làm việc về mô hình thực nghiệm giáo dục hướng nghiệp thanh thiếu niên khuyết tật, tự kỷ. Khi ngắm nhìn các sản phẩm đồ lễ do các em học viên khuyết tật, tự kỷ ở Ngọc Ân làm ra, các thành viên trong đoàn vô cùng ấn tượng và thích thú.
Hai bên đã trao đổi, thảo luận về các cơ hội việc làm cho người khuyết tật, tự kỷ cũng như sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng của họ. Sự chia sẻ này mở ra cho Ngọc Ân nhiều cơ hội để hỗ trợ chăm sóc, giáo dục, hướng nghiệp cho người khuyết tật và tự kỷ.
Đáng mừng hơn là ngay trước thềm năm mới 2023, ngày 28/12/2022, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý – giáo dục Ngọc Ân đã khai trương cơ sở 3 tại tỉnh Quảng Trị. Sự kiện này thể hiện sự lớn mạnh, khả năng thu hút cũng như tinh thần ủng hộ tích cực của xã hội dành cho Trung tâm. Tới đây, Ngọc Ân sẽ tiếp tục mở thêm cơ sở 4 tại khu vực Tây Nguyên với mong muốn kiến tạo một môi trường giáo dục đặc biệt khép kín từ can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập đến thực nghiệp hướng nghiệp và tạo việc làm, mang lại thu nhập cho nhiều người rối loạn phát triển hơn.
Đã hoàn thành đề án, hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ, bản quyền, hiện chị Đào Thanh Hoàn đang gấp rút hoàn thiện quy trình quản lý để nhân rộng mô hình của Ngọc Ân. “Tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ miễn phí cho các trung tâm giáo dục đặc biệt khác để ngày càng nhiều trẻ khuyết tật, đặc biệt được hướng nghiệp, dạy nghề, trở thành những viên ngọc tỏa sáng. Và qua đó, những bậc phụ huynh cũng vơi đi gánh nặng, đóng góp nhiều hơn cho xã hội” – chị Đào Thanh Hoàn tâm sự.