Mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên tự kỷ, người khuyết tật phát triển bền vững
Nguyễn Oanh Hoạt động trung tâm, Hoạt độngSáng kiến “Mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên, người tự kỷ và khuyết tật phát triển bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội” của tác giả Đào Thanh Hoàn (Hà Nội) vừa được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng “Bằng sáng kiến Thủ đô” 2024. Đây là đề tài đã được ứng dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội mang lại cơ hội học tập suốt đời, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho thanh thiếu niên và người tự kỷ, khuyết tật.
“Mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên, người tự kỷ và khuyết tật phát triển bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội” tập trung phát triển tư duy, năng lực còn lại của các thanh thiếu niên, người tự kỷ và khuyết tật, đáp ứng nhu cầu của từng gia đình có con tự kỷ và khuyết tật. Phát triển đạo đức, quản lý các hành vi bất thường, rèn luyện các thói quen tốt để người tự kỷ và khuyết tật hòa nhập xã hội. Đào tạo, nâng cao tay nghề cho người tự kỷ và khuyết tật có cơ hội làm các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và xã hội. Tạo thu nhập cho người tự kỷ và khuyết tật, giúp phát triển kinh tế cho các gia đình có người tự kỷ và khuyết tật, giảm gánh nặng cho xã hội.
“Mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên, người tự kỷ và khuyết tật phát triển bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội” của tác giả Đào Thanh Hoàn đã được trao “Bằng Sáng kiến Thủ đô”.
Xuất phát từ người mẹ có con tự kỷ từ năm 2007, hơn ai hết chị Đào Thanh Hoàn thấu hiểu trẻ tự kỷ cần giúp đỡ điều gì và gia đình có con tự kỷ mong muốn điều gì. Chị thấu hiểu tâm tư của trẻ cũng như những gánh nặng của gia đình và xã hội khi chăm sóc, giáo dục những đứa con “đặc biệt”. Nhiều trẻ khuyết tật và tự kỷ khi kết thúc chương trình giáo dục tiểu học không thể tiếp tục học lên bậc Trung học cơ sở, và càng khó học lên Trung học phổ thông. Chính vì vậy cần có một mô hình giáo dục đặc biệt toàn diện cho trẻ.
Chị Đào Thanh Hoàn cho biết, đây là một mô hình mới bởi các cơ sở dành cho trẻ tự kỷ, khuyết tật hiện nay chủ yếu tập trung vào can thiệp sớm, hướng nghiệp hay dạy nghề. Mô hình này sẽ thực hiện từ giáo dục can thiệp, giáo dục thực nghiệm hướng nghiệp, giáo dục hướng nghiệp, đào tạo nghề, tạo việc làm, tạo thu nhập cho thanh thiếu niên, người tự kỷ và khuyết tật.
Sản phầm được làm từ tay thanh thiếu niên tự kỷ, khuyết tật.
Hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo, từ năm 2020, chị Đào Thanh Hoàn đã chính thức đưa sản “Oản nghệ thuật” và “Lễ sắp thủ công” để người khuyết tật, tự kỷ gia công thực hiện. Từ bàn tay của người khuyết tật, tự kỷ, những sản phẩm này đã được xã hội đón nhận, có sức lan tỏa lớn không chỉ trong nước mà còn được quốc tế biết đến. Quan trọng hơn nữa, sản phẩm đã mang lại thu nhập cho chính những người tự kỷ, khuyết tật, khẳng định vị trí bình đẳng của họ trong xã hội.
Đặc biệt, “Mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên, người tự kỷ và khuyết tật phát triển bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội” còn nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ của xã hội bởi đã giải quyết được một vấn đề nhức nhối mà xã hội quan tâm: Đó là nhiều học sinh, thanh thiếu niên tự kỷ và khuyết tật không có trường để học, không có chỗ để làm, sống phụ thuộc vào gia đình và cần có sự hỗ trợ của xã hội.
Tạo cơ hội bình đẳng cho người yếu thế
Trên thị trường hiện nay đã có những sản phẩm “Lễ sắp thủ công” và sản phẩm “Oản nghệ thuật” do các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp sản xuất. Nhưng sản phẩm “Lễ sắp thủ công” và “Oản nghệ thuật” của Trung tâm Giáo dục đặc biệt Ngọc Ân có sự cộng tác của các học viên khuyết tật và tự kỷ tham gia theo từng công đoạn thực hiện tạo ra sản phẩm. Các em đã đóng góp vào quá trình hoàn thiện các sản phẩm truyền thống, đáp ứng nhu cầu của người dân trong phong tục thờ cúng của người Việt Nam.
Có thể thấy, những sản phẩm do học viên khuyết tật và tự kỷ làm nên có giá trị nhân văn rất sâu sắc. Bởi người bình thường, không khuyết tật có thể mất ít thời gian hơn để hoàn thành so với những người khuyết tật nói chung và học viên là thanh thiếu niên khuyết tật và tự kỷ nói riêng.
“Lễ sắp thủ công” và “Oản nghệ thuật” của học viên khuyết tật và tự kỷ Ngọc Ân đã nhận được những ý kiến rất tích cực từ một số đền, chùa, lễ hội, và các khách hàng quan tâm đến sản phẩm.
Dưới sự hướng dẫn và chỉ bảo tận tình tỷ mỉ của các giáo viên hướng nghiệp, giáo viên giáo dục đặc biệt và các nhà tâm lý học, nhà trị liệu hành vi, cảm xúc;.. sản phẩm hướng nghiệp Ngọc Ân do học viên khuyết tật và tự kỷ hoàn thành đạt tính thẩm mỹ và sự thuận tiện cho người sử dụng. Qua thời gian thử nghiệm, các sản phẩm “Lễ sắp thủ công” và “Oản nghệ thuật” của học viên khuyết tật và tự kỷ Ngọc Ân đã nhận được những ý kiến rất tích cực từ một số đền, chùa, lễ hội, và các khách hàng quan tâm đến sản phẩm.
Sự khác biệt của ý tưởng sáng kiến so với sản phẩm hiện có trên thị trường chính là mô hình đã tạo ra những sản phẩm hướng nghiệp của người tự kỷ và khuyết tật có tính thẩm mỹ cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng mang đậm giá trị nhân văn, phát huy nét đẹp đạo đức, hiếu nghĩa, biết ơn hướng về cội nguồn; góp phần giữ gìn truyền thống “tốt đời đẹp đạo” trong văn hoá, lối sống của người Việt Nam từ chính sự lao động của những người tự kỷ và khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Về tương lai, chị Đào Thanh Hoàn cũng không ngừng nghiên cứu, sáng tạo ra các dòng sản phẩm phù hợp với khả năng và nhu cầu của các dạng và mức độ khuyết tật khác nhau; tạo ra một mô hình phát triển thực tế đó, các học viên và gia đình, nhà trường sẽ thấy học viên phù hợp với nghề nào, rèn luyện trau dồi kiến thức, kỹ năng để sau này các em có thể làm được nghề đó.
Chị Đào Thanh Hoàn cũng cho biết, khi mô hình đạt được hiệu quả về kinh tế, chị sẽ nghiên cứu triển khai tới các đối tượng yếu thế trong xã hội, đặc biệt là tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật.
“Phụ nữ khuyết tật thường là đối tượng chịu nhiều tác động nhất của nghèo đói do các rào cản về giới. Tỷ lệ nghèo, thiếu việc làm, thất học của người khuyết tật cao hơn rất nhiều so với người bình thường, trong đó những khó khăn mà phụ nữ khuyết tật gặp phải cao gấp 3 lần so với nam giới. Họ ít được tiếp cận với những cơ hội phát triển cá nhân, xã hội, kinh tế; ít được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm, tham gia giao thông…
Đặc biệt, phụ nữ khuyết tật thường gặp nhiều rủi ro, dễ bị lạm dụng lao động và tình dục hơn so với phụ nữ bình thường, các quyền về sức khỏe sinh sản của họ ít được quan tâm và đảm bảo… Những khó khăn này tạo ra những cản trở lớn trong cuộc sống và việc hòa nhập cộng đồng của phụ nữ khuyết tật”, chị Đào Thanh Hoàn chia sẻ.
Nguồn: https://laodongthudo.vn/mo-hinh-ho-tro-thanh-thieu-nien-tu-ky-nguoi-khuyet-tat-phat-trien-ben-vung-172083.html