Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ, hướng nghiệp cho người tự kỷ và khuyết tật
Sắc Hoàng Hoạt động trung tâm, Tin tức, Hoạt độngTrung tâm nghiên cứu và ứng dụng tâm lý giáo dục Ngọc Ân (Hà Đông, Hà Nội) đang triển khai mô hình hỗ trợ, hướng nghiệp cho những người tự kỷ và khuyết tật khá hiệu quả, giúp họ có thu nhập và khẳng định giá trị bản thân.
Sáng 14/10, tại Hà Nội đã diễn ra lễ bế mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Thủ đô năm 2023; lễ trao giải Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Hà Nội năm 2023.
Dự án “Triển khai mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên, người tự kỷ và khuyết tật phát triển bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội” của bà Đào Thanh Hoàn – Nhà sáng lập kiêm Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng tâm lý giáo dục Ngọc Ân đã vinh dự đoạt giải Nhì.
Là một người mẹ có con bị tự kỷ, bà Đào Thanh Hoàn thấu hiểu hơn ai hết sự thiệt thòi của các em khi sinh ra đã kém may mắn, nỗi vất vả của gia đình khi tìm cho con một địa chỉ tin cậy để đồng hành cùng con.
Với khao khát xây dựng được một môi trường giáo dục đặc biệt toàn diện mà ở đó người khuyết tật, tự kỷ được học tập suốt đời và khẳng định giá trị của bản thân, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng tâm lý giáo dục Ngọc Ân đã ra đời.
Thực tế cho thấy, nhiều trẻ khuyết tật và tự kỷ khi kết thúc chương trình giáo dục tiểu học không thể tiếp tục học lên bậc THCS hay THPT. Chính vì vậy cần có một mô hình giáo dục đặc biệt toàn diện từ thực nghiệm hướng nghiệp đến giải quyết việc làm, tạo thu nhập giúp các em có thể tham gia học tập suốt đời là một nhu cầu thiết yếu của xã hội và có giá trị nhân văn.
Không chỉ tạo môi trường giáo dục đặc biệt toàn diện tại các cơ sở giáo dục đặc biệt trên địa bàn TP Hà Nội, Trung tâm Ngọc Ân mang lại cơ hội học tập suốt đời, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho thanh thiếu niên và người tự kỷ, khuyết tật mà còn để họ có thể sống độc lập và hòa nhập cộng đồng.
Cùng với đó là đào tạo, nâng cao tay nghề cho người tự kỷ và khuyết tật để làm các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; tạo thu nhập, giúp phát triển kinh tế cho các gia đình có người tự kỷ và khuyết tật, giảm gánh nặng cho xã hội.
Dựa trên các mục tiêu của mô hình, bà Đào Thanh Hoàn đã cùng đội ngũ lãnh đạo Trung tâm Ngọc Ân chỉ đạo cán bộ, giáo viên xây dựng kế hoạch cá nhân cho từng học viên. Nội dung hoạt động thực nghiệm hướng nghiệp cũng được thực hiện từng bước với 3 nghề: Làm gốm nghệ thuật; sắp lễ thủ công; làm oản nghệ thuật.
Để sản phẩm của người khuyết tật có chỗ đứng, khẳng định thương hiệu trên thị trường, bà Hoàn đã nghiên cứu quảng bá thương hiệu và bán sản phẩm, thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm; đăng ký bản quyền mỹ thuật cho nhãn hiệu sản phẩm hướng nghiệp của thanh thiếu niên, người tự kỷ và khuyết tật; lan tỏa và nhân rộng mô hình đến các Trung tâm giáo dục đặc biệt tại Hà Nội và các tỉnh bạn.
Trong quá trình thực hiện mô hình này, Trung tâm cũng gặp không ít khó khăn về nguồn vốn, do các học viên đa số thuộc gia đình khó khăn. Khả năng và mức độ khuyết tật của mỗi em lại khác nhau. Có những em khuyết tật nặng thì không thể thao tác được các kỹ năng cần độ chính xác cao của sản phẩm.
Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống nên các sản phẩm của trung tâm đang ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ, đón nhận của cộng đồng.
Cuối tháng 9 vừa qua, Dự án “Triển khai mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên, người tự kỷ và khuyết tật phát triển bền vững trên địa bàn TP Hà Nội” của bà Đào Thanh Hoàn đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội biểu dương “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo phụ nữ Thủ đô” năm 2023. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng để bà Đào Thanh Hoàn cùng Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Tâm lý giáo dục Ngọc Ân ngày càng phát huy tốt vai trò của mình trong công tác hỗ trợ, hướng nghiệp cho người tự kỷ, khuyết tật thời gian tới.
Ngồn: Giaoducthoidai