Cách nhận biết sớm và trị chứng tăng động cho con
Hoang Van Chăm sóc cho bé, Tin tứcMất tập trung, hay ngọ nguậy, không ngồi yên một chỗ là những dấu hiệu của tăng động giảm chú ý (ADHD) – chứng bệnh thường gặp ở trẻ từ 3 đến 11 tuổi. Sự tăng động quá mức khiến trẻ gặp khó khăn khi học tập, hòa nhập với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Tuy nhiên, rất nhiều cha mẹ vẫn còn mơ hồ chưa biết, liệu con mình có bị tăng động giảm chú ý hay không và cách nào giúp con điều chỉnh hành vi về bình thường.
Tăng động giảm chú ý khác với hiếu động đơn thuần
Trẻ thông minh, hiếu động là điều khiến các bậc cha mẹ tự hào mỗi khi nói về con mình. Với hiếu động đơn thuần, trẻ sẽ phát triển tốt cả về thể chất và mọi kỹ năng vận động, trong đó các hành vi đều được kiểm soát. Tuy nhiên, những biểu hiện của trẻ tăng động luôn ở mức độ thái quá, chỉ thích làm theo ý mình mà không quan tâm tới thế giới bên ngoài. Trẻ nói nhiều, hay ngắt lời người khác nhưng lại khó diễn đạt về ngôn ngữ. Hay leo trèo, chạy nhảy và cảm thấy khó chịu khi phải ngồi yên. Trong mọi việc, trẻ thường hấp tấp, thiếu suy nghĩ và không chịu chờ đến lượt.
Những nỗ lực của cha mẹ và thầy cô gần như vô ích, bởi trẻ nhìn thấy sách vở là phớt lờ, mọi chữ nghĩa như nhảy múa trong đầu, nghe giáo viên giảng bài mà luôn nghĩ đến đồ chơi, không tập trung chú ý và chậm tiếp thu. Đến những thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng hay quên và thường bị thất lạc đồ chơi, dụng cụ học tập do để lung tung…
Học tập ở trẻ tăng động giảm chú ý khó khăn
Thực tế, trẻ tăng động rất thông minh nhưng vì khả năng tập trung kém nên kết quả học tập bị sa sút, hành vi và tính cách dễ bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Trẻ sẽ khó kiềm chế cảm xúc, dễ nổi nóng, tức giận và dùng hành động để giải quyết vấn đề, chẳng hạn như cào cấu, đánh bạn, đập vỡ đồ chơi… nếu không vừa ý.
Ảnh hưởng của tăng động giảm chú ý đến trẻ
Trẻ tăng động giảm chú ý gặp nhiều khó khăn ở mọi lĩnh vực cuộc sống, cụ thể như sau:
Học tập: thường gặp nhiều giới hạn trong các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, tính toán và sẽ khó đạt kết quả cao trong học tập do không tập trung chú ý.
Giao tiếp: dễ nổi cáu và hung hăng với mọi người, khó kết giao bạn bè và duy trì mối quan hệ nào đó lâu dài.
Mắc kèm nhiều bệnh lý: trẻ tăng động có nguy cơ cao bị rối loạn cảm xúc, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm…
Tệ nạn xã hội: chứng tăng động giảm chú ý có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành, làm gia tăng tính bạo lực, dễ lạm dụng rượu, bia, thuốc lá, ma túy và có hành vi trộm cắp…
Sự nghiệp: người trưởng thành mắc chứng tăng động giảm chú ý dễ bị thất nghiệp, gặp trở ngại khi tìm kiếm và duy trì công việc mới do năng suất làm việc thấp, hay bất hòa với đồng nghiệp, cấp trên.